Cuộc chơi F&B: 'Muốn sống sót cần buông bỏ'

  • 20/10/21 09:07

Thu hẹp số lượng cửa hàng hoặc thậm chí chấp nhận rút chân hòa toàn khỏi thi trường... tình cảnh không hiếm gặp của nhiều thương hiệu trên thị trường F&B sau giai đoạn giãn cách dài vì dịch bệnh.

Cơ hội cho những người chơi mới

"Sang nhượng quán", "Cho thuê nhà"..., những biển quảng cáo xuất hiện khá nhiều tại những mặt bằng trước đây từng là các quán cà phê, cửa hàng ăn uống tại TP.HCM sau những ngày giãn cách kéo dài. Ngay cả khi thành phố tái khởi động trở lại, nhiều cửa hàng vẫn đóng im ỉm.

Chuỗi cà phê Starbuck tại góc Khách sạn Rex thông báo đóng cửa ngay ngày đầu tiên TP.HCM tuyên bố mở cửa từng bước. Trước đó vào tháng 5, chuỗi cửa hàng sữa đậu nành Soya Garden chính thức rút chân khỏi TP.HCM, chỉ còn hoạt động tại Hà Nội.

Và cách đây ít ngày, The Coffee House Signature, niềm tự hào của thương hiệu cà phê này, chính thức đóng cửa khép lại 3 năm tiến vào mô hình premium của Nhà cà phê. 

"Ngày càng vô cùng khó khăn", ông Đỗ Duy Thanh, Founder & CEO FNB Director, đồng thời đang là Co-founder của thương hiệu Giò chả Minh Hương và Giám đốc nhượng quyền Cơm gà xối mỡ 142, nhận định về thị trường F&B khi trao đổi với PV Doanh Nhân Trẻ Online.

"Không riêng các ông lớn trong ngành, mà theo nguồn thông tin riêng tôi có được thì hiện tại đã có khoảng 50% cửa hàng trên các Food App ở trong trạng thái đóng cửa", ông Thanh cho biết. Tuy nhiên ông Thanh khẳng định, "đây không phải là điều gì bất ngờ khi tình trạng đóng cửa diễn ra trong nhiều tháng, quan trọng là để đảm bảo dòng tiền đủ lớn để bù lỗ chi phí, chắc chắn nhà đầu tư và vận hành phải đưa ra quyết định của mình".

“Cái gì đã hết cách cần buông bỏ”, bởi cơ hội để hồi sinh của thị trường F&B trong giai đoạn hiện nay phải là câu chuyện dài, chứ không thể một sớm một chiều", ông Thanh bày tỏ.

Với các hình thức giao hàng online thông qua các ứng dụng thông qua các áp giao hàng trực tuyến, ông Thanh cho biết là rất khó khăn, bởi: “Các app phải chạy khuyến mại mới có cơ hội xuất hiện trước khách hàng. Nhưng hiện tại mức chiết khấu tới 20-25% thì khó lắm. Cửa hàng nào lấy công làm lời thì được chứ cơ bản là thua”.

“Giai đoạn này là cơ hội cho những người chơi mới mạnh về nguồn vốn tham gia vào ngành. Nhiều người chơi cũ trong ngành đã mệt mỏi bởi không còn tiền duy trì. Vì vậy, người chơi mới nếu duy trì tốt sẽ là lợi thế”, ông Đỗ Duy Thanh nhận định.

Đâu sẽ là xu hướng mới?

Trở lại câu chuyện với chuỗi The Coffee House, trả lời báo chí, đại diện chuỗi cho biết, "Mình cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn nguồn lực cho các đổi mới". 

Không riêng The Coffee House, câu chuyện "đổi mới" trở thành vấn đề sống còn với các doanh nghiệp, các tiểu thương trong ngành F&B. Phải xây dựng lại hoàn toàn từ đầu từ chuỗi cung ứng, cách thức kinh doanh... là cách nhiều doanh nghiệp đang phải tính đến. Tuy nhiên đổi mới như thế nào để có thể tồn tại, sống sót qua giai đoạn này là một câu hỏi không dễ tìm được lời đáp.

Hiện đang có bốn xu hướng mới trong ngành F&B.

Nhận định về thời gian tới, ông Đỗ Duy Thanh đã chỉ ra 4 xu hướng mới của ngành F&B để thích nghi với giai đoạn mới sau đại dịch:

- Thứ nhất, xu hướng đầu tư phát triển các mô hình giảm tỷ lệ lệ thuộc vào các chi phí cố định như mặt bằng và nhân sự như mô hình kiốt, xe đẩy và mô hình shop-in-shop (của hàng trong cửa hàng), tiêu biểu như kiốt Phúc Long trong cửa hàng bán lẻ Vinmart.

- Thứ hai, xu hướng phát triển nhượng quyền. Đây là giai đoạn thị trường biến động nên sẽ không thuận lợi để ra mắt, thử nghiệm và hoàn thiện các mô hình kinh doanh mới mà chính là thời điểm mở rộng của các thương hiệu hoặc mô hình đã được khách hàng chấp nhận.

Bên nhượng quyền thì mở rộng với rủi ro về tài chính thấp hơn. Còn bên nhận quyền có thể có được doanh thu sớm hơn bên cạnh việc tối ưu được một số chi phí cung ứng đầu vào so với mô hình họ tự đầu tư.

- Thứ ba, xu hướng các thương hiệu tại đô thị lớn như TP.HCM đầu tư mạnh về đô thị các tỉnh với hy vọng tại các địa phương này sẽ ít chịu tác động của dịch bệnh, chi phí rẻ hơn và các thương hiệu đã có tên tuổi sẽ được người tiêu dùng ở đây dễ chấp nhận hơn.

- Xu hướng cuối cùng là phát triển mô hình "Farm to table" (từ nông trại đến bàn ăn) sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Dịch bệnh diễn ra kiến các nhà đầu tư quan tâm về ngành nông nghiệp nhiều hơn và ngay cả người tiêu dùng cũng quan tâm nguồn gốc thực phẩm nên đây có thể là mô hình tiềm năng nhưng cần những dự án đầu tư quy mô lớn.

* Sưu tầm