Chơi cờ vây với 10 người Nhật, thắng 9, chủ thương hiệu New Sake dần dần khiến tự người Nhật marketing cho mình và thành công trong lĩnh vực F&B.
Bối cảnh
“Năm 1998 khi tôi đang yên vị làm thuê cho công ty Nhật thì Hà Nội phải chịu cơn bão lịch sử. Một đêm căn hộ tập thể nhỏ xíu của nhà tôi bị giật tung cửa sổ, mưa táp vào tận giường ngủ. Bố thì lại đi công tác xa. Mẹ tôi phải thức trắng đêm, mẹ tôi phải lấy vải mưa to che cửa rồi nằm chắn mưa cho con. Thương mẹ tôi không sao ngủ được, tôi thấy đau, tôi thấy mình thật vô dụng. Tôi phải kiếm tiền giúp mẹ, giúp gia đình”, chị Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ & Thương mại NewSake Việt Nam nhớ lại lý do khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng của mình.
Vốn đam mê ẩm thực Nhật, đã làm cho công ty Nhật nên chị Lan khá hiểu họ. Nhận thấy người Nhật sống ở Hà Nội ngày càng đông nhưng nhà hàng Nhật còn quá ít, cô gái người Hà Nội này nhìn ra cơ hội. Năm 1999, chị Lan gom tiền tiết kiệm, vay bạn bè 5.000 USD và mở nhà hàng Nhật tại Giảng Võ. Một kẻ ngoại đạo chưa làm ăn bao giờ, lại kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xứ người, chị cho biết bắt tay vào việc đâu cũng thấy khó khăn từ thiết kế sắp xếp, bài trí nhà hàng, tìm kiếm những vật dụng Nhật Bản đặc trưng, đến tìm nguồn thực phẩm. Người Nhật thường ăn cá tươi, bảo quản và chế biến với quy trình nghiêm ngặt do đó phải nhập khẩu trực tiếp, một điều không tưởng ở những năm cuối thập kỷ 90.
“Cách đây 20 năm không có mạng Internet, không có thông tin gì được cho ai. Sau khi đi làm cho Nhật chỉ có được mối quan hệ với khoảng dăm ba người, lượng khách quen có khoảng chục người. Và không phải chục người đó hôm nào cũng đến nhà hàng mình để ăn. Những hôm họ không đến thì mình không có khách”, CEO thương hiệu New Sake chia sẻ khó khăn của công việc kinh doanh ngành F&B cho người Nhật tại Việt Nam.
Giải pháp
Khởi nghiệp sợ nhất là chuyện tiền. Chị Lan nhớ lại giai đoạn chưa kiếm được đồng nào mà toàn phải chi như ném qua cửa sổ. Chị vay được 5.000 USD thì thuê đầu bếp Nhật để dạy nghề mất đứt 2.000 USD/tháng. Những khách quen ban đầu ủng hộ rồi thưa thớt dần. Hôm nào may thì có vài khách, phần lớn là 1 ngày dài như thế kỷ, vắng tanh, nhà hàng phải duy trì nhờ vay nợ.
Cô chủ nhỏ cặm cụi đọc sách, đọc báo và nhận ra một sự thật: Người Nhật vốn cẩn thận và quy củ, rất coi trọng tiếng tăm, thứ mà nhà hàng mới toanh của chị chưa hề có. Quyết không buông xuôi, chị Lan bắt đầu lao đầu vào học chơi cờ vây khi được một vị khách Nhật tặng một bộ cờ và dạy chị. Dần dần chị bắt đầu biết chơi. Cờ vây được xem là môn thể thao trí tuệ và được người Nhật đam mê yêu thích.
“Khi chơi với 10 người Nhật thì thắng 9. Lúc đó chỉ thích thắng khách thôi chứ không như bây giờ biết cách nhường. Ông nào cũng thua và hỏi tại sao mà bị thua, rủ người khác đến chơi thử xem thắng không và lại thua tiếp. Dần dần tự người Nhật marketing cho mình”, CEO New Sake nhớ lại.
Lúc bấy giờ trong cộng đồng người Nhật tại Hà Nội kỳ lạ trước một cô chủ người Việt chơi cờ vây rất giỏi. Thế là người Nhật truyền tai nhau đến nhà hàng dùng bữa và thách cờ. Những khách đến chơi cờ ngoài dùng bữa còn góp ý cho chị về bài trí quán, món ăn, thậm chí tiện về Nhật họ còn giúp chị mua đồ.
“Quán của tôi ngày càng đông khách cuối cùng thì trời cũng đã sáng”, CEO New Sake vui vẻ chia sẻ.
Triết lý về khác biệt trong kinh doanh
“Các bậc thầy marketing bây giờ phải học cái đó, ko phải dễ đâu. Đó là cách để đi vào thị trường, đi vào lòng người, cách để kêu gọi người ủng hộ cho mình. Vô cùng rẻ, vô cùng hiệu quả”, Tổng giám đốc tập đoàn Ecopark Trần Quốc Việt bình luận về cách marketing truyền miệng hiệu quả của chị Lan.
Phân tích thêm về chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh, tiến sỹ Lê Thẩm Dương- trưởng khoa Tài chính, đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho biết có 4 chiến lược tổng quát về cạnh tranh gồm: Chiến lược giảm chi phí, Chiến lược tập trung, Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm và Chiến lược tổng hợp gồm 3 cách trên. Xét trong trường hợp của New Sake, tiến sỹ Lê Thẩm Dương cho rằng chơi cờ vây nằm trong khác biệt hóa.
“Cái khác biệt ở đây người ta cứ hiểu là khác biệt sản phẩm nhưng không phải. Khác biệt ở sản phẩm, khác biệt ở lòng tin, khác biệt ở cảm xúc, khác biệt ở đẩy chữ tôi người ta lên, khác biệt ở tạo cho người ta quyền lực, khác biệt ở quy trình, khác biệt ở tính cam kết. Ở đây chị tạo được một cái khác biệt. Chị nhìn cờ vây dưới góc độ kinh doanh là đang cung cấp cho người ta một giá trị đấy.”, tiến sỹ Dương bình luận.
Ngoài ra ông cũng cho rằng nhiều nhà kinh doanh phải học tập chị Lan ở khía cạnh tạo ra được sự khác biệt của khác biệt. Theo đó từ năm 2003 người Nhật đưa ra thuyết tư duy đột phá. Tiến sỹ Dương cho biết đột phá là trên của sáng tạo, sáng tạo là khác biệt. Đột phá là khác biệt của khác biệt. Rất vô tình hoặc hữu ý Lan làm được điều này.