Kinh doanh F&B cần gì?

  • 26/05/20 00:00

Gary Halbert, một chuyên gia Marketing đã đưa ra câu hỏi cho sinh viên của mình như sau:
“Nếu bạn và tôi đều sở hữu một quầy bán hamburger trong thị trấn, và chúng ta phải đấu với nhau để bán được nhiều burger hơn, bạn muốn có lợi thế gì ở phia bạn để giúp bạn giành chiến thắng?”
“If you and I both owned a hamburger stand and we were in a contest to see who could sell the most hamburgers, what advantages would you most like to have on your side to help you win?”

Rất nhiều sinh viên nói họ muốn sở hữu loại thịt ngon nhất, hạt vừng phải nướng cháy hơn, hoặc một loại nước sốt bí mật, một người đầu bếp giỏi, một mặt bằng đẹp, logo bắt mắt …. Nhưng câu trả lời của Gary là:

“MỘT ĐÁM ĐÔNG ĐANG ĐÓI BỤNG”

Ví dụ và câu trả lời có phần phóng đại nhưng cũng rất có lý. Đó là thị trường. Phải có thị trường trước đã. Sẽ thật vô nghĩa khi bạn nấu Phở ngon nhưng người ta không có nhu cầu ăn phở.

Trước khi kinh doanh mình cần phải trả lời được câu hỏi:

  • “Mình sẽ bán hàng cho ai?”
  • “Họ đang có nhu cầu sử dụng sản phẩm của mình không?”
  • “Thị trường mình nhắm đến có đủ lớn không?”

Qua thực tế kinh doanh, rất nhiều bạn ra mở nhà hàng một cách rất cảm tính với những lý do sau:

“Ở đây chưa có tiệm phở nào thực sự ngon. Mình làm ngon hơn chắc chắn sẽ bán được” – Tuy nhiên khách hàng Pháp có thích ăn phở không? Họ có ăn Phở hàng ngày như ở Việt Nam không?

“Bánh mì kẹp Việt Nam là một trong 10 món được du khách yêu thích nhất. CNN bầu chọn. Ở Pháp ít người kinh doanh bánh mì kẹp, mở ra chắc chắn sẽ thành công vì ít cạnh tranh. Lại được quảng bá ẩm thực nước nhà.”

“Đi làm tiệm sushi thấy biên lợi nhuận lớn. Dạo này nhiều người mở sushi, mình cũng mở sushi.”.

Nhưng sự thật thì “mở ra” bao nhiêu thì “đóng lại” cũng vô cùng nhiều. Nếu không thì cầm cự cũng rất vất vả vì doanh thu không đủ để set up một hệ thống đầy đủ.

Nhiều bạn chia sẻ với mình muốn kinh doanh nhà hàng nên bắt đầu đi làm bếp để học nấu ăn. Tuy nhiên điều quan trọng đầu tiên bạn cần phải làm là “Nghiên cứu thị trường” bằng cách trả lời những câu hỏi:

  • “Mình sẽ bán hàng cho ai?”
  • “Họ đang có nhu cầu sử dụng sản phẩm của mình không?”
  • “Thị trường mình nhắm đến có đủ lớn không?”

Để trả lời những câu hỏi trên bạn hãy đọc thật nhiều các bài viết về ngành chúng ta đang có ý định kinh doanh trên báo đài. Đi dự hội thảo, nói chuyện với người trong ngành,… sẽ cho chúng ta câu trả lời cho vài câu hỏi như:

– Thị trường Sushi, Phở, Pizza hiện nay là bao nhiêu (số người tiêu dùng, dung lượng bán ra, doanh thu tổng ngành,…
– Bao nhiêu nhóm khách hàng dùng sản phâm mình hướng đến.
– Xu hướng sắp đến (ăn chay, ăn healthy,…)
– Mỗi năm thị trường tăng trưởng bao nhiêu % hay đã bão hoà?

Từ đó nếu nhận thấy có thị trường Phở, bạn hãy đầu tư đi học làm Phở để mở quán Phở. Hoặc không cần phải học làm Phở mà hãy hợp tác với một đầu bếp giỏi. Bởi người chủ nhà hàng thì không nhất thiết phải là người đứng bếp. Người chủ nhà hàng cần rất nhiều kỹ năng khác.

Hãy bắt đầu bằng “Nghiên cứu nhu cầu của khách hàng” bạn nhé.

Nguồn: Phan Việt Phong – CEO nhà hàng Obobun