Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa diễn ra Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã tăng thêm 60%…
Trung bình mỗi tháng có 16,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 năm 2021.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, có 33,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong đó, 21,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, thời điểm bắt đầu bùng dịch Covid-19. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa diễn ra Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã tăng thêm 60%.
Cũng trong 2 tháng đầu năm nay, 8,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 28,1%.
Một tín hiệu mừng là số doanh nghiệp thành lập mới tăng, với 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và tăng 52,2% về vốn đăng ký.
Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp.
Trung bình mỗi tháng có 14,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Về tình hình của doanh nghiệp sau đợt bùng phát thứ 3 của dịch Covid-19, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa gửi báo cáo trình Thủ tướng cho biết, trong 2 tháng qua, so với doanh nghiệp phía Nam không hoặc chưa bị tác động, doanh nghiệp phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp.
Báo cáo cho biết các doanh nghiệp gặp khó khăn đầu tiên ở việc thu hút lao động. Sau đợt nghỉ Tết cộng thêm diễn biến dịch mới, người lao động có tâm lý e ngại di chuyển và quay lại làm việc trong vùng có dịch.
Về chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ở nhiều khu công nghiệp cũng gặp khó khăn do hàng hóa tắc nghẽn khi vận chuyển qua địa phương có dịch như Hải Dương. Nếu lái xe từ Hải Dương không được ra khỏi tỉnh thì lái xe tỉnh ngoài cũng ngại tham gia tuyến này vì sợ bệnh dịch. Các tập đoàn lớn cũng không muốn thuê lái xe từ Hải Dương…
Cũng theo báo cáo, do các chính sách hạn chế đi lại và các biện pháp cách ly của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hải Phòng, việc thu mua và vận chuyển nông sản từ Hải Dương ra Cảng Hải Phòng bị ách tắc. Nhiều công ty xuất khẩu nông sản từ Hải Dương bị hủy lịch tàu, mất hợp đồng.
* Sưu tầm