Làm thế nào để xây dựng văn hóa nhà hàng?

  • 25/05/20 00:00

Mỗi nhà hàng có một nét văn hóa riêng, tượng trưng cho những giá trị đạo đức, những chuẩn mực mà nhà hàng đó đề cao đặt lên hàng đầu. Bất kỳ nhà quản trị hay chủ nhà hàng nào đều khẳng định văn hóa nhà hàng là một trong những điều cốt lõi cần xây dựng ngay từ khi thành lập. Vậy cụ thể văn hóa nhà hàng được định nghĩa như thế nào và làm thế nào để xây dựng văn hóa nhà hàng?

Văn hóa nhà hàng là gì?

Xây dựng văn hóa nhà hàng

Mỗi thời đại, mỗi doanh nghiệp lại có những định nghĩa khác nhau về văn hóa doanh nghiệp nói chung và văn hóa nhà hàng nói riêng và thậm chí văn hóa nhà hàng cũng phụ thuộc cả vào văn hóa của một đất nước. Tuy nhiên, sau thời gian dài nghiên cứu, một số cách định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp cũng như văn hóa nhà hàng một cách đơn giản được đưa ra như sau:

  • Văn hóa doanh nghiệp là phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực. (Gold KA.)
  • Văn hóa thể hiện tổng hợp các giá trị và cách hành xử phụ thuộc lẫn nhau phổ biến trong doanh nghiệp và có xu hướng tự lưu truyền, thường trong thời gian dài. (Kotter, J.P. & Heskett, J.L.)
  • Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp. (Williams, A.Dobson, P. & Walters, M.)

Văn hóa nhà hàng được thể hiện ở nhiều góc độ. Đó có thể là những giá trị vật chất như: bàn ghế, món ăn, cơ sở vật chất nhà hàng, v…v… hoặc là những giá trị tinh thần: thái độ phục vụ, những nguyên tắc, chuẩn mực mà mọi nhân viên phải tuân thủ tại nhà hàng, v…v… Có thể nói văn hóa tồn tại khách quan ở mỗi nhà hàng và ở mọi góc độ. Văn hóa nhà hàng đồng thời là công cụ góp phần tạo nên những nét đặc trưng riêng của mỗi nhà hàng.

Tại sao phải xây dựng văn hóa nhà hàng?

Sự phát triển lâu dài của nhà hàng không chỉ phụ thuộc vào doanh số bán hàng mà còn phụ thuộc vào văn hóa của nhà hàng. Văn hóa nhà hàng mang lại cho những lợi ích thiết thực cho nhà hàng. Cụ thể:

  • Văn hóa nhà hàng trở thành cầu nối gắn kết các thành viên trong nhà hàng từ đó thống nhất mục tiêu chung tránh xảy ra những xung đột.
  • Việc điều chỉnh và quản lý các hành vi cá nhân là vô cùng khó khăn bởi mỗi thành viên trong nhà hàng có một cá tính riêng. Trong trường hợp đó, văn hóa nhà hàng trở thành những chuẩn mực quy tắc buộc mọi người phải đề cao và tuân theo vì mục tiêu phát triển chung của nhà hàng.
  • Văn hóa nhà hàng giúp các thành viên trong nhà hàng có một cái nhìn rõ ràng về bản chất công việc đồng thời tạo sự gắn kết giữa các thành viên, tạo môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh. Từ đó mà các thành viên trong nhà hàng có thêm động lực làm việc, cống hiến cho nhà hàng.
  • Mỗi nhà hàng sẽ xây dựng nên một nét văn hóa đặc trưng riêng. Một văn hóa nhà hàng được rèn giũa sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động, tăng sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Làm thế nào để xây dựng văn hóa nhà hàng?

Văn hóa nhà hàng là giá trị cốt lõi không thể xây dựng trong ngày một ngày hai mà nó cần phải được hình thành ngay từ ban đầu, dần dần phát triển, nâng cao trở thành chuẩn mực được toàn bộ nhân viên trong nhà hàng đề cao. Hơn nữa, việc xây dựng văn hóa nhà hàng không chỉ là nêu ra các giá trị rời rạc mà mà cần xây dựng cả một hệ thống các yếu tố giá trị.

Làm thế nào để xây dựng văn hóa nhà hàng

Các nhà hàng có thể áp dụng mô hình xây dựng văn hóa nhà hàng theo 11 bước của Julie Heifetz và Richard Hagberg như sau:

  • Nghiên cứu thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược doanh nghiệp trong tương lai.
  • Xác định giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công. Những giá trị cốt lõi phải là các giá trị bền vững với thời gian, là trái tim và linh hồn của nhà hàng.
  • Xây dựng tầm nhìn mà nhà hàng muốn vươn tới.
  • Xem xét, đánh giá những giá trị hiện tại và xác định những yếu tố văn hóa cần thay đổi.
  • Tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị văn hóa hiện có với những giá trị mong muốn.
  • Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi văn hóa bời lãnh đạo là người đưa ra những giải pháp nỗ lực nhằm xây dựng văn hóa nhà hàng như mong muốn.
  • Soạn thảo đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm nhằm mở ra hướng đi rõ ràng cho nhà hàng trong việc xây dựng văn hóa.
  • Phổ cập những thay đổi, kế hoạch hành động và động viên tinh thần, tạo động lực cho các thành viên trong nhà hàng bởi họ là người tiếp nhận và trực tiếp tạo nên văn hóa nhà hàng.
  • Nhận biết các trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi của các thành viên trong nhà hàng và xây dựng các chiến lược để đối phó.
  • Khuyến khích các hành vi theo mẫu hình lý tưởng, tạo động lực thay đổi và phát triển.
  • Tiếp tục đánh giá văn hóa nhà hàng và thiết lập các chuẩn mực mới. Hơn hết cần không ngừng học tập và thay đổi bởi thị trường thay đổi từng ngày và nhà hàng phải bắt kịp sự thay đổi đó mới có thể tồn tại lâu dài.

Việc xây dựng văn hóa nhà hàng được cấu thành từ nhiều yếu tố, từ đó tạo nên bản sắc riêng, một hình ảnh riêng của nhà hàng. Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa nhà hàng mang giá trị cốt lõi giúp cho nhà hàng có lối đi riêng, lối đi cụ thể và rõ ràng hướng tới sự phát triển lâu dài.

 

Sưu tầm