Sở dĩ tìm mãi không ra cái tên gì phù hợp, đành gọi là “dân laptop”. Ở đây mình tự định nghĩa họ là những người tìm một môi trường làm việc không bị ôm cứng trong bốn bức tường ở cơ quan, ra ngoài làm việc cho thoáng đầu, hoặc cũng có thể là freelancer, chẳng làm việc cho công ty nào hết thì ngồi quán cà phê cho tiện và lấy cảm hứng, hoặc là học sinh sinh viên, những người cần ôm máy tính để học bài. Như vậy dân laptop có thể là nhiều đối tượng, với nhiều độ tuổi, nhưng chúng ta đã tìm thấy điểm chung của họ trong chính cái tên, đó là “cái laptop”. Các thành phố lớn thì cũng đã vốn phát triển, nay sẽ phát triển hơn, các thành phố nhỏ thì cũng đang dần phát triển lên rồi. Đối tượng ôm laptop ra quán cà phê làm việc, cách đây 15 năm mình được hội đa cấp nhồi vào đầu là “rất oai”, bây giờ đã không còn xa lạ nữa. Mở một quán cà phê gần các khu văn phòng, gần những khu trung tâm làm ăn, những khu vực phát triển, bạn sẽ dễ gặp dân laptop ôm máy tính khệ nệ tìm quán cà phê ngồi làm việc. Thế theo mọi người dân laptop đi cà phê với mục đích công việc thì họ cần những gì?
1. Ổ điện!
Rất nhiều quán cà phê không bố trí ổ điện quanh bàn khách, khiến khách hàng bất tiện rất nhiều. Mà trừ Macbook là loại laptop pin trâu lên tới tận 7 – 10 tiếng, còn lại hầu hết người dùng laptop đều cần ổ điện để cắm sạc, cắm điện thoại. Lại thêm một trải nghiệm tuy nhỏ nhưng mình đánh giá cực cao ở Highlands và The Coffee House, đấy là hầu như bàn nào cũng có ổ cắm. Khi xác định mở quán hướng đến đối tương dân laptop, bạn đừng bao giờ quên yếu tố cực kỳ quan trọng này nhé!
2. Âm nhạc
Mỗi quán có một bản sắc riêng, quán cho dân laptop cũng vậy và nên vậy. Đi quanh Hà Nội, ta có thể thấy những quán cho dân laptop rất nhiều. Mở cửa bước chân vào quán là mùi thơm đồ uống, hầu hết là mùi thơm cà phê, sau đó sẽ là âm nhạc. Thứ âm nhạc bật trong quán nên nhẹ nhàng, thư thả. Chỉ cần lên Youtube bạn search “music for working” thì sẽ ra hàng tá lựa chọn nhạc không lời cho các bạn chọn. Hoặc muốn có lời, hãy chọn những dòng nhạc nhẹ nhàng như jazz hoặc country. Nhạc Việt mình gợi ý nhạc của Lê Cát Trọng Lý, nhạc nước ngoài thì nhiều lựa chọn nha mọi người
3. Kích thước bàn ghế
Bạn cần cân đối kỹ kích thước bàn ghế cho dân văn phòng. Vì bàn uống nước đôi khi sẽ hơi thấp hơn bàn dành cho người ngồi làm việc với máy tính. Khi chọn bàn ghế cho đối tượng này, bạn hãy mang thử một cái máy tính đi và ngồi thử sẽ biết như thế nào là thoải mái nhất nhé, không gì chính xác hơn là đặt mình vào đúng vị trí khách hàng để cảm nhận. Kích thước mặt bàn cũng rất quan trọng. Một chiếc laptop màn hình lớn nhất đã là 15.6 inches, tính thêm vị trí để con chuột, đặt để cốc nước, các phụ kiện khác như giấy ăn, lọ đường… bạn cần lựa chọn mặt bàn có độ rộng đảm bảo cho tất cả những thứ đó thì tốt hơn đấy!
4. Đồ uống năng lượng
Người ôm laptop liên tục rất mỏi mắt, mình là một ví dụ. Người làm việc với laptop thường cần nhiều sự tỉnh táo, họ cần những thứ đồ uống mang đến năng lượng. Hãy chú trọng nhiều hơn vào những món đồ như vậy, đó rất có thể sẽ là đồ uống trọng tâm của quán đấy, ví dụ như cà phê hay trà… là những đồ uống có thể ngồi nhâm nhi thời gian lâu hơn. Không nên dàn trải quá nhiều loại đồ uống làm rối rắm menu của quán, đối tượng khách này họ cần nhiều ở sự tiện lợi, cái không gian và không khí của quán bạn. Chỉ cần bạn làm tốt những đồ uống chọn lọc trong menu là được, đừng bôi vẽ menu nhiều quá.
5. Wifi
Nhu cầu sử dụng mạng trong quán cafe là rất cao. Mọi người có nhu cầu dùng wifi để làm việc, lên các trang tin tức hoặc giải trí,... Chính vì vậy, một hệ thống mạng có tốc độ tốt rất cần cho dân laptop, ngoài ra sẽ thu hút được lượng khách hàng tương đối lớn và bền vững.
Qua một đợt dịch, trừ khi bị cấm kinh doanh, còn đâu mình nhận thấy những quán cà phê cho dân laptop vẫn hoạt động đều, doanh số có thể sẽ giảm nhưng không quá nặng nề như những mô hình cà phê khác. Nếu anh chị nào đang kinh doanh mô hình này, hoặc sắp kinh doanh nó, hãy chú ý những yếu tố nho nhỏ trên, để việc kinh doanh thành công hơn nữa nhé
* Sưu tầm