Ngành F&B sẽ thay đổi như thế nào và làm sao để thích nghi?

  • 07/12/20 10:05

Làn sóng 4.0 – the Internet of Things – ập đến nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chỉ vài năm trước, các ngân hàng vẫn còn loay hoay tạo động lực, tăng khuyến mãi để khách hàng chuyển từ giao dịch tiền mặt sang giao dịch thẻ, thì giờ đây, nhìn lại, chúng ta đang sử dụng thanh toán thẻ và thanh toán online thường xuyên và nhiều hơn rất nhiều.
Công nghệ đang dần dần thay đổi thói quen và cách chúng ta tương tác với nhau. Xu hướng này gần như là hiển nhiên, vì chúng giúp cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng và tiện lợi hơn rất nhiều. Vậy thì, cùng với xu hướng này, ngành F&B sẽ thay đổi như thế nào, và chúng ta, những người kinh doanh trong lĩnh vực F&B cần trang bị gì để thích ứng với sự thay đổi này?

Từ đặt hàng truyền thống sang đặt hàng điện tử

Gần 10 năm trước, khi fast-food bắt đầu dần được chấp nhận tại Việt Nam, và các chuỗi cà phê bắt đầu phát triển, thì các quán cà phê, quán ăn rục rịch chuyển đổi từ order tại bàn sang order tại quầy, cắt giảm chi phí cho nhân sự phục vụ, kèm theo là sự chuyển đổi từ menu cuốn sang bảng menu tại quầy, cùng các tờ menu takeaway và delivery, và vô vàn các tờ rơi khuyến mãi. Các tờ rơi và menu delivery được các bạn nhân viên phát nhiệt tình đến khách hàng, và khách hàng (vì lịch sự và vì bảo vệ môi trường), lật đật nhét các tờ này vào cốp xe, túi xách và rồi quên lãng mất.

Thử nghĩ nếu giờ bạn là một khách hàng đang muốn đặt bánh pizza về ăn. Bạn có đi tìm lại các tờ rơi mình đang cất giữ đâu đó để tìm số điện thoại đặt hàng của một tiệm pizza nào đó, hay bạn sẽ lên Grab hoặc Now, gõ “pizza” và order từ cửa hàng quen thuộc?

Dưới góc độ khách hàng thì order điện tử nhanh – gọn và đôi lúc rẻ hơn nhiều. Còn dưới góc độ nhà hàng thì sao? Cũng vẫn nhanh – gọn – và rẻ cho nhà hàng, vì:

  • Order điện tử hạn chế sai sót trong khâu nhận đặt hàng.
  • Order điện tử giúp giảm chi phí nhân công (nhận điện thoại đặt hàng, ghi chú, gọi điện qua lại để xác nhận và giao hàng.
  • Dữ liệu đặt hàng đầy đủ và rõ ràng, giúp cho việc phân tích và đưa ra chương trình Marketing phù hợp và chính xác hơn.

Đến trải nghiệm số cho khách hàng tại cửa hàng

Còn trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng thì sao? Khách hàng đến dùng bữa tại nhà hàng cũng có muốn trải nghiệm những cải tiến, tiện nghi mà công nghệ mang lại. Khi đến một nhà hàng đông đúc, họ cần được đảm bảo rằng nhân viên phục vụ không sót order của họ và thức ăn, dù thế nào cũng phải được mang lên nhanh chóng. Khi đến một nhà hàng không quen, họ cần biết món ăn đó chứa những thành phần gì, được chế biến như thế nào, có phù hợp với khẩu vị không? Khi đến một cửa hàng cà phê để order một ly nước quen thuộc, họ mong không phải xếp hàng chờ đợi và mất hết 15 phút quý giá của giờ nghỉ trưa. Vậy các cửa hàng F&B đã sử dụng công nghệ như thế nào để đáp ứng những yêu cầu này?

Từ POS station sang các máy POS cầm tay

Các cửa hàng đông khách hoặc hoạt động dạng ‘night-life’ có lẽ là những người tiên phong trong việc đầu tư sang thiết bị POS cầm tay. Thay vì ghi order bằng giấy và chạy đến cashier để ghi nhận order vào hệ thống (và kế toán có thêm một công đoạn kiểm đếm xem có mất tờ order nào không), thì giờ nhân viên có thể bấm order trực tiếp trên máy. Ngoài tác dụng đẩy nhanh thời gian nhận order và phục vụ, bước tiến này còn giúp hạn chế thất thoát trong cửa hàng (do quên in hoá đơn). Các thiết bị này còn giúp kết nối các cổng thanh toán điện tử và ví điện tử, giúp trải nghiệm của khách hàng tiện lợi hơn rất nhiều.

Từ menu giấy sang menu điện tử

Nếu như mô hình night-life rất cần các máy POS cầm tay, thì các nhà hàng phục vụ món ăn lại cần các menu điện tử thay cho menu giấy và nhân viên phục vụ tư vấn và thuyết minh về món ăn. Các nhà hàng lẩu / dimsum chắc là những nhà hàng bắt đầu cho sự thay đổi này. Thay vì phát cho mỗi bàn một tờ order để khách hàng tick vào những món muốn chọn, thì giờ đây, khách hàng có thể nhìn hình bấm chọn một cách dễ dàng. Ngoài ra, việc cân đối món ăn và chi tiêu cũng dễ dàng hơn rất nhiều, khi họ có thể nhìn thấy danh sách tất cả các món đã chọn và tổng chi phí bữa ăn. Về phía nhà hàng, nhân viên sẽ không cần phải lặp lại order và hạn chế được nhiều sai sót trong khâu phục vụ.

Từ gọi điện đặt chỗ đến đặt bàn online

Thế nếu lỡ đến một nhà hàng yêu thích, nhưng lại không có chỗ ngồi hoặc phải chờ quá lâu thì sao? Chắc chắn khách hàng sẽ không hài lòng đúng không? Công nghệ sẽ giúp gì được cho việc này? Đơn giản là tạo một trang để đặt chỗ cho khách hàng và hơn thế nữa, khách hàng có thể đặt món trước và được phục vụ ngay khi đến. Như thế, khách hàng không chỉ được phục vụ tốt hơn, mà nhà hàng còn có nhiều thời gian để chuẩn bị và sắp xếp các nguồn lực một cách hợp lý nhất.

* Sưu tầm