Cứ ngỡ "một năm kinh tế buồn" của ngành F&B Việt, song ai ngờ loạt ông lớn Nova F&B, Central Group, PTTOR... lại chớp thời cơ này để mở hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê.
Hơn một năm Covid-19 phủ bóng đen u ám, câu hỏi về khi nào nền kinh tế sẽ hồi phục vẫn còn đang bỏ ngỏ. Những ngành mũi nhọn như F&B tiếp tục trượt dốc chưa có hồi kết, đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề qua 3 đợt dịch bùng lên.
2020, ngành F&B đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu lớn. Hàng loạt nhà hàng, quán café đóng cửa, trả mặt bằng. Tất cả đều chuyển sang phương án "phòng ngự, co cụm" trong trạng thái "bình thường mới". Nhưng trong nguy luôn có cơ, nhiều doanh nghiệp với nguồn lực tốt đã tận dụng thời điểm này để xây dựng và tối ưu nền tảng, quy trình và công cụ quản trị để có sức bật và tăng tốc mở chuỗi.
Nghịch lý F&B Việt 2020: Kẻ đóng băng, người mở chuỗi
Có thể ví Covid-19 như giọt nước tràn ly, ai có khả năng thích nghi sẽ tồn tại và những "tay mơ" dễ dàng bị đánh sập. Các "case study" sáng giá đáng phải kể nhất năm qua chính là những ông lớn: Nova F&B, Central Group và Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTTOR).
Tháng 8/2020, Tập đoàn bất động sản Novaland ra mắt Nova F&B chuyên quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B, thuộc hệ sinh thái NovaTourism. Không chỉ bước chân vào lĩnh vực mới giữa đại dịch, Nova F&B còn đặt mục tiêu phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hệ thống trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club...
Quy mô các thương hiệu do Nova F&B quản lý cũng gây choáng ngợp, gồm: Jumbo Seafood, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Hongkong Dimsum & Hotpot, Au Lac Do Brazil, Marina Club, Embassy Lounge, Number 1 Beach Club, Food Train Restaurant, Grand Lounge. Riêng ở mảng cà phê, các thương hiệu do đơn vị này quản lý có Saigon Casa cafe, Gloria Jean’s Coffees, Mojo Coffee, Cà phê Cô Ba, Phindeli Café... đều tọa lạc tại các vị trí đắc địa bậc nhất. Họ cũng đang rất khẩn trương mua nhượng quyền nhiều thương hiệu và hứa hẹn trở thành một trong những công ty F&B lớn tại Việt Nam.
Hàng loạt thương hiệu của Nova F&B nhanh chóng khai trương trong giai đoạn "bình thường mới"
2020 cũng đánh dấu cột mốc lấn sân đầu tư sang mảng F&B của Tập đoàn bán lẻ Central Group, sau khi hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đưa thương hiệu cà phê Café Amazon nổi tiếng nhất xứ chùa vàng về Việt Nam. Không chỉ phát triển chuỗi cửa hàng Café Amazon tại các tụ điểm sầm uất ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, Central Group còn ồ ạt mở thêm thương hiệu Hôm Kitchen, Hôm Dimsum, sau đó phát triển theo các chi nhánh của Go! tái định vị thương hiệu từ Big C...
Chọn đại dịch làm thời điểm "bung hàng" loạt thương hiệu F&B mới và tăng tốc mở rộng chuỗi F&B cũ, cả Nova F&B lẫn Central Group đều có những toan tính riêng. Chớp cơ hội ngành F&B năm 2020 có nhiều mặt bằng trống, chi phí thuê giảm, các đối thủ đóng cửa hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh..., cả hai ông lớn đều tìm thấy "cơ trong nguy". Đợi khi Covid-19 qua đi, hàng trăm thương hiệu của Nova F&B và Central Group đều đã phủ sóng "nhẵn mặt" khắp cả nước.
F&B Việt trước "chương mới" của tiến trình chuyển đổi số
Các chuỗi nhà hàng, quán café của Nova F&B và Central Group hiện vẫn duy trì hoạt động ổn định, trở thành địa điểm check-in mới của giới trẻ, bất chấp khó khăn tạo ra bởi Covid-19. Điều này có được nhờ hậu thuẫn rất lớn từ tiềm lực của tập đoàn mẹ, Novaland - đại gia sở hữu 5.000ha dự án bất động sản và Central Group - chủ sở hữu 200 trung tâm mua sắm, siêu thị bán lẻ và điện máy trên cả nước.
Cùng với đó là hậu thuẫn công nghệ đến từ đối tác Dcorp R-Keeper cung cấp giải pháp quản lý phù hợp với bối cảnh "bình thường mới" cho Nova F&B và Central Group. Covid-19 làm xáo trộn nền kinh tế, thay đổi không ít thói quen mua sắm, cũng mang đến những xu hướng tiêu dùng mới đặc trưng của kỷ nguyên 4.0. Nắm bắt điều này, các chuỗi mới hình thành trong 2020 vẫn sống tốt nhờ đẩy mạnh các mô hình đặt đồ ăn online, gọi món không tiếp xúc, thanh toán không tiền mặt...
R-Keeper được biết tới như một nền tảng công nghệ tiên phong và nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực F&B. Nền tảng này cung cấp trọn bộ giải pháp từ Online đến Offline (O2O Platform) bao gồm rất nhiều các mô-đun như: Đặt bàn, bán hàng đa kênh, chăm sóc khách hàng, quản lý giao hàng, quản lý kho, quản lý bếp... không chỉ phù hợp với bối cảnh kinh doanh hiện tại, mà còn phù hợp với chiến lược mở rộng lâu dài của các doanh nghiệp F&B lớn.
Nền tảng O2O Food-tech mà Dcorp R-Keeper đang phát triển
Khác với phần đông F&B Việt nằm yên bất động hoặc ngủ đông chờ thời, các tập đoàn lớn chớp thời cơ này để tiên phong chuyển đổi số, đầu tư lớn cho nền tảng công nghệ trong quản lý và vận hành hàng loạt mô hình khác nhau. Giữa biến động kinh doanh của ngành, một cuộc sóng ngầm mang tên chuyển đổi số đang âm ỉ dữ dội trong năm 2020.
Chia sẻ về điều này, ông James Dương Nguyễn - Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper Việt Nam cho biết: "Không riêng gì ở Việt Nam, mà trên thế giới, các công ty F&B lớn với nhiều mô hình kinh doanh đều phải sử dụng những nền tảng quản trị mạnh mẽ và có độ trưởng thành cao. Vì chỉ khi có hệ thống phần mềm đủ mạnh, thì mới có khả năng mở rộng nhanh mà không lo bị đứt gãy chuỗi vận hành".
Ông James cũng đánh giá: "Nova F&B, Central Group hay những nhà đầu tư nước ngoài như PTTOR, đều là những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, am hiểu quản trị và rủi ro, hiểu tầm quan trọng của một nền tảng công nghệ mạnh mẽ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc bứt phá như thế nào. Do đó, ‘Giải pháp mạnh - Đối tác tin cậy’ luôn là mục tiêu của các tập đoàn này khi tìm kiếm hướng đi mới".
Toàn cảnh F&B Việt 2020, khôn ít khó nhiều. Bức tranh sẽ nối dài sang 2021, mang đến thách thức lớn đến từ một tương lai mờ mịt không biết khi nào dịch bệnh được kiểm soát, từ hành vi của thực khách thay đổi cho đến cách thức vận hành, mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ hứa hẹn sẽ mang đến làn gió mới, tô điểm cho thị trường F&B 2021 một màu xanh hi vọng.
* Sưu tầm