Những Doanh Nghiệp F&B Hàng Đầu Singapore Đang Hướng Tới Mục Tiêu Kghoong Còn Dấu Chân Carbon

  • 04/03/21 09:09

Kể từ đầu năm 2020, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề "Báo động đỏ" trên toàn thế giới khi Trái đất ghi nhận các vụ cháy rừng hoành hành trên khắp nước Úc và tháng 1 nóng nhất lịch sử. Khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, các ngành công nghiệp đều có những hành động tích cực cho môi trường, trong đó không thể không kể đến F&B - một trong những ngành công nghiệp lãng phí nhất hành tinh.
Là một trong những quốc gia tiên phong trong phát triển bền vững, Singapore đã có những động thái đầu tiên khi thành lập Hội đồng bền vững F&B. Được dẫn dắt bởi The Loco Group với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp F&B trong nước, hội đồng sẽ tổ chức cuộc họp bàn tròn thường niên và cùng nhau thảo luận về các giải pháp xanh để giải quyết các vấn đề môi trường trong ngành.

1. Vận động xử lý thực phẩm thừa tập thể

Thực phẩm thừa là một vấn đề nan giải trong ngành công nghiệp F&B tại “đảo quốc sư tử”. Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA), chất thải thực phẩm đóng góp 10% trong tổng lượng rác thải tại Singapore nhưng chỉ có 17% trong đó được mang đi tái chế. Dù chính phủ nước này đã đưa ra các khoản trợ cấp để ứng dụng máy xử lý chất thải thực phẩm, tuy nhiên, lượng rác từ các doanh nghiệp vẫn chưa đủ để đạt được mức tài trợ tối thiểu.

F&B là một trong những ngành lãng phí nhất hành tinh

Giải pháp của Grand Hyatt Singapore cho vấn đề này là tái chế chất thải thực phẩm thông qua một máy phát điện nhằm chuyển đổi rác thành phân bón hữu cơ không chứa mầm bệnh. Dù thiết bị này thuộc sở hữu của khách sạn với khả năng tái chế 1.000kg, hiện tại, nó chưa được tận dụng triệt để khi khách sạn chỉ xử lý 800kg.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, ý tưởng của hội động là phát triển một máy phát điện trung tâm và gộp chung chất thải thực phẩm từ nhiều doanh nghiệp để xử lý. Bằng cách này, các thành viên sẽ có thể cùng đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu cho khoản tài trợ của chính phủ và quản lý được lượng chất thải “khổng lồ” tăng lên hằng ngày.

Xử lý rác thải thực phẩm là một vấn đề nan giải với nhiều doanh nghiệp F&B tại Singapore

2. Hướng tới loại bỏ sự kỳ thị các “thực phẩm xấu xí”

Để giải quyết thực trạng lãng phí thực phẩm, một giải pháp khác được nêu ra tại phiên họp là loại bỏ sự kỳ thị đối với “thực phẩm xấu xí” hay thực phẩm không đủ tiêu chuẩn để được bày trí trên đĩa và mang đi phục vụ. Đồng sáng lập thương hiệu Selva Food, Cynthia Sayuri chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của cô khi chứng kiến ​​bơ và cam bị vứt đi chỉ vì chúng không có kích thước hoặc hình dáng chuẩn. Để đấu tranh với điều này, thương hiệu đã tạo ra những công thức chọn lọc thẩm mỹ các loại trái cây được sử dụng cho các sản phẩm của họ.

Thương hiệu phân phối trái cây Amazone Selva Food chuẩn hóa công thực chọn lọc để tránh lãng phí thực phẩm 

Tương tự, nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về việc lãng phí thực phẩm và kỳ thị thực phẩm không đạt chuẩn, tập đoàn Cicheti (điều hành chuỗi nhà hàng Ý Bar Cicheti và Cicheti Cafe tại Singapore) đã tổ chức các sự kiện không chất thải, làm mới thực đơn và gây quỹ trong suốt cả năm, bắt đầu từ đẩu năm 2020. 

Chuỗi nhà hàng Ý  Bar Cicheti đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãng phí thực phẩm không đạt chuẩn

3. Loại bỏ sự phung phí chai thủy tinh

Trong khi những lo ngại về thiệt hại môi trường từ việc xử lý rác thải nhựa đã nhen nhóm từ lâu trong ngành hàng F&B thì các tác hại của thủy tinh sử dụng một lần lại ít được quan tâm. Thế giới tiêu thụ 40 tỷ chai thủy tinh đựng rượu hằng năm, trong đó, phần lớn là loại chai sử dụng một lần. Mặc dù thủy tinh là nguyên liệu có thể tái chế, chúng vẫn xuất hiện tại những bãi rác. Do đó, đây là vấn đề mà nhà phân phối rượu mạnh Proof & Company hy vọng có thể thay đổi.

Thủy tinh là loại rác thải thực phẩm phổ biến tại Singapore

Theo đó, công ty này đã phát triển EcoSPIRITS, một công nghệ phân phối rượu với hàm lượng carbon và chất thải thấp đầu tiên trên thế giới. Thay vì đựng trong chai thủy tinh, giờ đây, các loại rượu mạnh có thể được đóng gói trong các bình ecoTOTES 4,5 lít có thể tái sử dụng. EcoSPIRITS sẽ giúp các quán bar, nhà hàng và khách sạn loại bỏ gần như toàn bộ chất thải thủy tinh và bao bì trong chuỗi cung ứng rượu, đồng thời, giảm đến 30g khí thải carbon  cho mỗi ly cocktail.

4. Phát triển bền vững đi đôi với sự thành công của doanh nghiệp

Việc các doanh nghiệp F&B địa phương thực hiện các biện pháp bền vững để giải quyết các vấn đề trong ngành hàng là một lợi thế lớn với người tiêu dùng. Nhưng ngay cả khi nhiều công ty nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của môi trường, vẫn tồn tại một quan niệm sai lầm phổ biến rằng hành động hướng tới sự bền vững sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kinh doanh. Và đây cũng là điều mà hội đồng mong muốn thay đổi.

Giám đốc điều hành của Trouble Brewing,  ông Joseph Baratta, nhận định: “Sự bền vững thường được xem như là một nỗ lực từ thiện hoặc xa xỉ, nhưng nếu được thực hiện tốt, nó sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận. Đối với chúng tôi, việc đó trông như sử dụng hiệu quả bao bì, ít lãng phí, ít nguyên liệu thô và tái chế – tất cả đều là tiết kiệm. Mặc dù ở một số phạm trù, như chỉ sử dụng cốc có thể phân hủy sẽ tốn chi phí hơn, tuy nhiên, trên mặt bằng chung, chúng ta trở thành một doanh nghiệp tốt hơn vì điều đó”.

Hoạt động theo hướng bền vững giúp doanh nghiệp giảm thiểu nhiêu chi phí

Như vậy, ngành hàng F&B tại “đảo quốc sư tử” đang chứng kiến nhiều thay đổi trong mô hình lẫn cách thức vận hành nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ môi trường. Hy vọng, qua bài viế bạn đọc đã có được những thông tin bổ ích về cách những doanh nghiệp F&B tại Singapore đang thực hiện để hướng tới phát triển bền vững, từ đó, tìm ra hướng đi riêng cho bản thân để ứng dụng các giải pháp xanh ngay tại thị trường Việt Nam. 

* Sưu tầm