Với loại ống hút làm từ gạo này, Hàn Quốc đang băng băng trên chiến dịch tẩy chay ống hút nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động do loại vật liệu này gây nên.
Anh Kim Gwang Pi, một người Hàn Quốc đã phát minh ra một loại ống hút làm bằng gạo, có thể phân hủy sau 3 tháng, so với ống hút nhựa vốn cần đến hàng trăm năm.
Với 70% thành phần làm từ gạo, và 30% làm từ bột sắn hoặc thành phần làm viên trân châu trong trà sữa, ống hút gạo của anh Kim có thể ăn như snack bay bim bim, mỗi chiếc ống hút chứa khoảng 50 calo. Đây là một chiếc ống hút không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn “giàu dinh dưỡng”.
Với tình trạng rác thải nhựa đáng báo động hiện nay, chiếc ống hút này – cũng như nhiều loại ống hút phi nhựa khác – chính là một vị cứu tinh đối với môi trường.
Rác thải nhựa đang là kẻ thù do chính chúng ta tạo ra
Anh Kim chia sẻ:
“Tôi muốn chế tạo nhiều loại ống hút khác, tiện dụng và bổ dưỡng hơn nữa, với nhiều loại vitamin khác để thu hút người già và các bạn nhỏ cùng sử dụng.”
Loại ống hút độc đáo này cũng nhận được sự ủng hộ của các quán cà phê và khách hàng của họ.
Chị Song Ga Huynh – Nhân viên quán café, chia sẻ:
“Chúng tôi rất ủng hộ việc sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường. Khách hàng cũng hưởng ứng sau khi hiểu ra mục tiêu của các sản phẩm này.”
Bên cạnh ống hút gạo, còn có ống hút giấy, ống hút inox, cũng là những lựa chọn khác thân thiện với môi trường. Bắt đầu từ tháng 9 vừa qua, ống hút tre đã được đưa vào sử dụng tại tất cả các khách sạn ở Seoul.
Rác thải nhựa còn làm hủy hoại môi trường sống của các loài động vật.
Vật liệu nhựa (còn gọi là chất dẻo – plastics) được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong thời đại ngày nay bởi chúng bền, nhẹ, khó vỡ, và có nhiều màu sắc đẹp. Tuy nhiên, cũng chính bởi độ bền và khó phân hủy, đồ nhựa cũng gây nên rất nhiều tác hại cho môi trường tự nhiên.
Theo một nghiên cứu vào năm 2017 công bố trên tạp chí Science Advances, trong tổng số tất cả 8,3 tỷ mét khối vật liệu nhựa từng được sản xuất trên toàn cầu, cho đến thời điểm 2017, có đến 6,3 tỷ mét khối đã trở thành rác thải nhựa. Trong số đó, chỉ 9% được tái chế, bỏ lại 91% chưa qua xử lý. 79% số rác thải nhựa đang không ngừng tập hợp và tạo nên các bãi rác lớn, hoặc đổ xuống môi trường tự nhiên dưới dạng thức đồ rác thải. Đến một lúc nào đó, chúng sẽ đồ xuống đại dương, bể chứa cuối cùng.
Thậm chí còn nguy hại hơn nữa khi người ta đã phát hiện ra rằng, các chất hóa học độc hại trong đồ nhựa (hoặc các chất phụ gia) có thể rò rỉ ra, thấm vào đồ ăn thức uống. Thực tế, các chất này đã được tìm thấy trong máu và mô của con người, có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, gây dị tật bẩm sinh, ung thư, và các loại bệnh tật khác.
* Sưu tầm