Tiền Khôn, tiền khéo, là chủ phải tinh khôn!

  • 29/05/20 00:00

Khôn khéo học kinh nghiệm khỏi tốn tiền


Hầu hết các doanh nhân thành công trên thế giới hay tại Việt Nam, trước khi khởi sự cái gì đều có 1 thời gian trải qua làm các vị trí ở 1 doanh nghiệp tương tự để học kinh nghiệm vận hành, để hiểu về cách kinh doanh, để học cách tìm kiếm KH, để học lóm về bí mật sản xuất. Muốn mở nhà hàng, chí ít bạn phải làm ở nhà hàng cái đã, lăn lộn qua nhiều vị trí khác nhau, đi học pha chế, bếp, phục vụ… để hiểu 1 cái nhà hàng nó vận hành ra sao, tránh em tưởng ABC…

Cái sai lầm lớn nhất con người là luôn muốn học từ chính sai lầm bản thân, nhưng đôi khi giá bạn trả để học vô cùng to lớn, có bạn trẻ còn vướng cả vào lao lý từ sự kém hiểu biết của mình.

Tại sao không học nhanh từ người đi trước, xin vô làm chỗ họ. Ghé đến cửa hàng họ quan sát cách họ bày trí hàng hóa, cách họ tiếp khách… quan sát tất cả nơi bạn có thể tiếp xúc, ngày nay là website, các kênh mạng xã hội, xem coi họ đăng gì hút khách, họ tuyển ai, họ làm gì, động não suy nghĩ tại sao họ làm vậy thì bạn sẽ đỡ tốn tiền ngu rất nhiều đấy.

Bạn thử nhìn lại các doanh nhân có tiếng tăm xem có đúng không? Trước khi lập ra 1 tập đoàn BĐS, bản thân vị doanh nhân ấy cũng từng là nhà môi giới chuyên nghiệp, đó là shark Hưng, chủ tập đoàn Cengroup. Đừng nói với tôi là a Hưng có thể điều hành 1 tập đoàn BĐS khi anh không biết chút gì về nó nhé, cái này là vô lý. Hay như anh Tam (nhà sáng lập Asanzo), trước đó cũng là người buôn đồ điện tử có tiếng trước khi đi vào sản xuất. Và rất nhiều chủ shop lớn từng 1 thời là các đại lý, CTV mỹ phẩm. Họ làm để không mất tiền ngu khi khởi nghiệp thật sự. Tưởng ngu nhưng không hề ngu đâu.

Mình có quen 1 bà chị, chủ 1 nhãn hàng mỹ phẩm, nhờ thâm niên làm đại lý lâu năm cho nhiều nhãn hàng mỹ phẩm, giày da, nước hoa. Mối quan hệ bạn bè các anh em trong các nhóm đại lý cực kỳ rộng. Ngày chị lập nhãn riêng, đã có ngay trong tay hơn 30 đại lý sẵn sàng nhập hàng lớn từ mình mà không cần đổ 1 giọt mồ hôi tìm và tuyển.

Mình có quen 1 người bạn, từng bỏ ra 1 khoản tiền nhỏ để nhận nhượng quyền Milano. Mình nói nó “Sao mày không tự bỏ ra vài tỷ xây thương hiệu cafe, mua nhượng quyền chi”. Nó nói đầy khôn ngoan “Mày xem, tao chỉ tốn chưa tới 200, giờ tao nắm hết cách setup và vận hành quán, cách đo định lượng ly cafe”, nếu tao tự mở, mày nghĩ giá tao trả là bao nhiêu? Tôi “Ý mày là mua nhượng quyền để học?”. Nó “Đúng rồi, tao sẽ mở vài cửa hàng khác nhưng là tên của tao, còn cái điểm Milano này, hết hạn nhượng quyền, tao hủy không gia hạn, xong đổi nhận diện qua brand tao luôn”. Tôi “Mày cáo thiệt” !!!


“Đúng rồi, tao sẽ mở vài cửa hàng khác nhưng là tên của tao, còn cái điểm Milano này, hết hạn nhượng quyền, tao hủy không gia hạn, xong đổi nhận diện qua brand tao luôn” .

Khôn khéo xử lý khi gặp vấn đề


Ngày xưa mình luôn thắc mắc, tại sao tuổi đời của người doanh nhân từ 30 trở lên, sẽ vận hành việc kinh doanh ổn định hơn là từ 20, 30. Do họ giỏi hơn, chưa chắc đâu. Mãi sau này mình nghiệm ra là do họ trải đời, va chạm nhiều chuyện trong cuộc sống, nên cách xử lý vấn đề của họ khôn ngoan hơn các bạn trẻ.

Sự thành bại của 1 startup phụ thuộc rất nhiều vào khẳ năng ứng biến xử lý vấn đề của nhà sáng lập. Đó cũng là lý do các nhà đầu tư luôn đặt vấn đề nếu ý tưởng của em không khả thi, em sẽ làm gì. Thường bạn nào chần chừ sẽ mất điểm với nhà đầu tư. Thế nên mới có chuyện vui là dù thuyết trình không mấy ấn tượng, nhưng khi nhà đầu tư hỏi em sẽ làm gì, nếu dự án thất bại, bạn đó nói ngay, em sẽ về làm cho anh trả nợ trong 5 năm, haha vậy mà được xem xét đầu tư. Vì nhà đầu tư họ quan tâm con người mà lại.


Đi nhiều nơi, học hỏi bất cứ kiến thức, kỹ năng gì khi có cơ hội, đừng quá quan tâm học để làm gì, đọc nhiều sách mở rộng thế giới quan, tập phân tích những tình huống trên truyền thông như nếu là công ty A, bạn sẽ làm gì để rèn luyện tư duy phân tích trước 1 hiện tượng xã hội.

Thế nên, kiềm chế cảm xúc là điều tôi nhận ra, nó là kỹ năng quan trọng hàng đầu người làm chủ. Nhân viên lên nói xin nghỉ việc, cười và bình tĩnh cảm ơn nhân viên vì đã gắn bó. Khách hàng chê giá đắt chưa ký hợp đồng, cười và cảm ơn khách hàng đã tin tưởng xin báo giá bên mình, viết mail cảm ơn và chúc công ty khách hàng thuận lợi. Nhưng đa phần chúng ta sẽ làm mọi thứ trở nên lộn xộn từ chuyện con kiến, vụ nhãn hàng Maschio ồn ào vừa qua là 1 ví dụ.


Đó là biết quan sát người đối diện, biết tìm hiểu người sẽ nói chuyện trước khi mở mồm ra ABC, và chú ý về thời gian bắt chuyện. Xưa ra làm thương mại, hăm hở xách giỏ chứa các chai tinh dầu nước hoa, ghé các hair salon để chào mời. 9h sáng mình ghé vào, họ chửi mình không ngốc nổi đầu lên luôn. Ngẫm đúng, mới ban ngày ban mặt, người ta cần khách hàng bước vào tiệm chứ không cần 1 thằng tiếp thị.

7 bước bán hàng, được dạy ở trường, bỗng dưng vô dụng lạ thường. Đi sales mà tự nhiên học xem đá banh để tám mấy ông tiệm sửa xe khi đi sales dầu nhớt. Và vô vàn chuyện linh tinh cần học không thể ngờ như tập khen 1 người xấu xí sao cho họ thấy lời khen không nịnh, má ơi nó khó gì đâu.

Thế mà ngày nay, nhiều bạn inbox mình lúc 11h đêm, coi chịu nổi không.

Kinh doanh, ngoài marketing, quản trị tổ chức thì kỹ năng học hỏi, giao tiếp khôn khéo, xử lý vấn đề và kiềm chế cảm xúc có lẽ cũng quan trong vô cùng trong sự thành/bại mỗi doanh nhân.

Trước khi học kinh doanh, học làm người trước đã, ngẫm mà thấm.

Nguyễn Tuấn Hùng - CEO Nanado