Văn hóa thưởng trà

  • 11/06/20 13:55

“Văn hóa” về trà không chỉ đơn thuần là cách uống trà thế nào mà còn bao hàm rất nhiều những quy luật đã tồn tại từ ngày sơ khai của vũ trụ. Tôi coi việc thưởng trà là một nghệ thuật, nghệ thuật trong cách làm và chế biến trà, nghệ thuật trong việc giao tiếp, tương tác với những chén trà và mỹ miều trong cái không gian thưởng trà và không thể không kể đến những tri kỷ cùng ta thưởng thức môn nghệ thuật này.

Trà luôn có một vị trí nhất định trong các lựa chọn thức uống lành mạnh của con người. Ở mỗi lãnh thổ, quốc gia, môn nghệ thuật này đều có một hương sắc đặc trưng cho văn hóa ẩm thực truyền thống của đất nước đó. Điều này lại càng làm cho môn nghệ thuật này thêm phần khoe sắc. Đối với người Việt, thú uống trà gần như là một tập tục văn hóa hài hòa đã được lưu lại từ xưa.

Văn hóa trà đã hiện hữu từ ngàn xưa

Huyền thoại về trà

Huyền sử Trung Hoa có kể chuyện vua Thần Nông thời Thượng cổ, một hôm ngồi hóng mát ở hiên cung, bỗng có gió thổi rơi vào tách nước nóng ông đang uống một số lá cây. Vua thấy nước có mùi thơm hợp khẩu vị nên truyền lệnh cho dân trồng nhiều cây này để chế nước uống gọi là trà. Ấn Độ cũng có nhắc đến sự ra đời của trà trong huyền thoại của đất nước mình: Thánh Bo Rát Ma vào thời gian cuối đời, quyết tâm không ngủ để thiền và tu luyện khổ hạnh. Nhưng ông lại cứ hay buồn ngủ, đã thế khi ngủ lại nằm mơ thấy được nhiều cô gái trẻ đẹp quấn quýt nuông chiều… Tỉnh giấc, thánh Bo Rát Ma giận mình không được tự chủ, bèn cầm kéo cắt hai mí mắt vất xuống đất. Hôm sau tại đó mọc lên hai cây có tàng lá xum xuê. Ngắt lá hãm trong nước sôi thì có được một chất nước uống làm hết buồn ngủ và tâm hồn thêm phần tỉnh táo. Người Ấn Độ xem đó là nguồn gốc cây trà.

Nhật Bản cũng có truyện tích về việc uống trà. Vào thế kỷ 13, một danh tướng Nhật bị lâm bệnh nặng về tiêu hóa. Nhiều thầy thuốc được mời đến chữa, nhưng bệnh vẫn không lành. May được một thiền sư đến xem mạch, kê toa và khuyên nên đặc biệt uống trà. Sau vài lần uống những tách trà đậm đặc, Minamoto Sanetomo được bình phục. Từ đó dân Nhật có tập tục uống trà. Tựu chung lại, trà vốn là một món quà của ông trời ban xuống với sự thần diệu trong công dụng.

Đã từ lâu trà đã là một môn nghệ thuật

Thú uống trà từ Đông sang Tây

Trải qua hàng ngàn năm tiến hóa, trà ẩn mình trong nền văn hóa của nhiều quốc gia trên khắp thế giới, hãy cùng tìm hiểu văn hóa thường trà ở mỗi vùng đất có gì giống và khác nhau:

Thành Đô (Trung Quốc)

Thành Đô, thành phố ở phía Tây Nam Trung Quốc là địa điểm nổi tiếng bậc nhất trong văn hóa thưởng thức trà của đất nước này. Theo truyền thống, dịch vụ thư giãn ở đây đồng nghĩa với việc trò chuyện ở một tụ điểm, ăn uống nhẹ, vệ sinh tai, massage và dùng trà. Ở Thành Đô có những quán trà thích hợp cho việc hẹn hò cũng như tìm khoảnh khắc yên tĩnh trong nhịp sống về đêm của thành phố.

Những ấm trà thanh tịnh của người Trung Hoa

Cotswold (Anh)

Không ở đâu có văn hóa dùng trà nghiêm túc như người Anh. Sở hữu các ngôi làng xây bằng đá, các thị trấn có lịch sử lâu đời, trên những ngọn đồi xanh, Cotswolds, miền cổ tích của nước Anh là nơi phù hợp nhất để thưởng thức trà. Nhãn hiệu trà “bá tước” Earl Grey được tẩm ướp với hỗn hợp tinh dầu chanh/cam (bergamot) cũng bắt nguồn tại Cotswolds. Du khách đến với Stratford-upon-Avon, nơi ra đời của đại văn hào William Shakespeare cũng có thói quen nhâm nhi loại trà ngon tuyệt này dưới bóng liễu rủ.

 

Nét hoàng gia trong cách thưởng trà của người Anh

Thành phố Marrakech (Maroc)

Tách trà bạc hà nóng trong các khu chợ của thành phố Marrakech (Maroc) sẽ ngon hơn khi được thưởng thức quanh một nồi thịt cừu đang sôi. Mỗi người sẽ có một chén trà nằm gọn trong bàn tay và hít hà vị thơm ngon trong khi chờ thịt cừu chín. Ở đây, rượu bị cấm, vì vậy, trà bạc hà là nước giải khát hàng đầu. Thức uống ngon lành này được phục vụ suốt cả ngày, kể cả các quầy hàng thực phẩm của địa phương cũng luôn sẵn sàng trà bạc hà cho khách giải khát.

1 ly trà bạc hà maroc giúp bạn sảng khoái tâm hồn

Nashville (Mỹ)

Một cốc trà đá thêm chanh là thức uống ưa thích ở thành phố Nashville nói riêng và bang Tennessee nói chung. Bữa trưa cũng được thưởng thức kèm với trà nhằm làm giảm bớt vị béo và giải khát. Trà ở đây thường thêm đường vì người dân thích các thức uống ngọt ngào.

Những hương vị trà mát đến từ Mỹ

Và còn rất rất nhiều nền văn hóa nữa ẩn hiện nét quyến rũ của trà ở trong đó mà tôi sợ rằng sẽ không có đủ nghiên bút để lột tả.

Trà với người Việt

“Khách đến nhà không trà thì bánh”

Bình trà nóng dùng đãi khách không thể thiếu trong mọi việc tiếp tân hay lễ hội. Tách trà nóng tỏa hương thơm ngát đều được mọi người ưa thích. Nhất là biết trà có tác dụng thông lợi ngũ tạng, giải nhiệt hạ đàm, tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ hoặc ngừa trị được một số bệnh và kéo dài được tuổi thọ.

Từ xưa, các tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà, đã từng nói: Trà có nhiều nước. Nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đượm đà nồng nàn, sâu thẳm. Đó mới thực sự là ngon nhất trong một ấm trà. Dư vị trong cổ họng cứ đọng lại… không chịu tan đi. Nước ta cũng có rất nhiều loại trà, trà nguyên thuỷ (còn gọi hậu vị) là loại trà mộc không được ướp hương, người uống mới cảm nhận được nguyên sơ. Loại trà thanh hương, được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau. Nào trà sen, trà lài, trà sói…

Mỗi buổi sớm uống trà xong, đốt trầm hương ngồi trong nhà đọc sách là một thú vui tao nhã và thanh lịch nhất mà một người đàn ông có thể có. Tiếc thay ngày nay ở các thành phố ở Việt Nam cũng như trong các gia đình Việt Nam ở hải ngoại, trà không còn được phổ biến nhiều như xưa. Đi tới nhà ai, đồ uống được mời thường chỉ còn là một ly nước ngọt hay một tách cà phê mà y khoa ngày nay chưa tìm được một lợi ích dầu nhỏ cho sức khỏe con người. Những người lớn tuổi lần lượt vắng bóng, không hiểu còn lại bao nhiêu người trung thành chung thủy với trà trong giới trẻ tương lai. Hãy cùng Mann Up đánh thức lại nghệ thuật này cùng các số tản mạn, tìm hiểu về trà cũng như ý nghĩa nghệ thuật ẩn giấu đằng sau việc “thưởng” trà.

 

Theo Mannup