Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường sử dụng thẻ cứng hay gọn nhẹ hơn 1 chút là số điện thoại cá nhân để tích điểm cho khách hàng thì bây giờ, ứng dụng tích điểm là công cụ phổ biến để hình thành và nuôi dưỡng sự trung thành của khách hàng.
Bước chân vào một tiệm bánh nổi tiếng tại quận 1, Tp.Hồ Chí Minh, Minh Huyền (24 tuổi) không khỏi “hoa mắt”, nhưng không phải vì các loại bánh hấp dẫn nằm trong tủ kính mà bởi logo và hàng loạt ấn phẩm giới thiệu về các ứng dụng tích điểm, hoàn tiền. Là một nhân viên marketing trong mảng công nghệ nhưng cô cũng không thể nào biết hết tất cả ứng dụng như vậy, dù chỉ trong tiệm bánh này.
Hiện nay, người tiêu dùng trẻ ít nhiều đều cài trong điện thoại mình các ứng dụng tích điểm, mua sắm, thanh toán… bởi nó đem lại rất nhiều tiện ích. Sự bùng nổ của ứng dụng tích điểm trong thời gian gần đây hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến mới trong việc giữ chân khách hàng tại Việt Nam.
Những “tay chơi” nổi bật
Theo một báo cáo từ Havard Business Reviews, chi phí để có một khách hàng mới thường cao hơn từ 5 – 20% so với khách hàng cũ tùy vào từng loại hình kinh doanh.
Chính vì thế, đi cùng với cuộc chiến mở rộng thị phần của các doanh nghiệp là cuộc chiến loyalty marketing nhằm mục tiêu giữ chân khách hàng, với công cụ đắc lực là tích điểm chi tiêu, đặc biệt là với doanh nghiệp bán lẻ. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường sử dụng thẻ cứng hay gọn nhẹ hơn 1 chút là số điện thoại cá nhân để tích điểm cho khách hàng thì bây giờ, khi công nghệ bùng nổ, ứng dụng tích điểm là công cụ tất yếu mà các doanh nghiệp phải có để hình thành và nuôi dưỡng sự trung thành của khách hàng.
Các ứng dụng này chia làm 2 loại: Loại ứng dụng tích điểm nằm trong hệ sinh thái hay hệ thống dịch vụ đa dạng thuộc 1 doanh nghiệp, và loại ứng dụng chỉ thực hiện chức năng tích điểm.
Đại diện cho loại thứ nhất là VinID, Viettel++ của 2 ông lớn Vingroup và Viettel hay Grab – siêu ứng dụng vô cùng nổi tiếng với hệ thống tích điểm, đổi điểm trực tiếp cho các dịch vụ mà Grab cung cấp. Ở đó, tích điểm được tích hợp cùng nhiều chức năng khác trong một ứng dụng để phục vụ cho tập khách hàng nằm trong hệ sinh thái của doanh nghiệp.
Với một góc nhìn khác, chuỗi cửa hàng đồ uống lớn như The Coffee House vẫn chọn cách tự phát triển hệ thống vận chuyển và ứng dụng tích điểm của mình thay vì gia nhập mạng lưới đối tác của các ứng dụng như Grab hay Now bởi “nỗi lo” bị lệ thuộc hay rơi vào vòng xoáy giảm giá. Nhiều cửa hàng trong lĩnh vực F&B có chung suy nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, việc phát triển riêng ứng dụng tích điểm là khoản chi phí đáng kể với nhiều cửa hàng.
Do đó, các ứng dụng tích điểm như Sen Point, Zody, iFind… ra đời, phục vụ cho phần thị trường rộng lớn còn lại, với mô hình liên kết các địa điểm mua sắm vào cùng một hệ thống tích điểm, tức là tích hợp các loại thẻ khách hàng của các cửa hàng khác nhau vào một ứng dụng duy nhất.
Ông Nguyễn Huy Đại – Giám đốc kinh doanh của Sen Point chia sẻ: “Hầu hết các đơn vị kinh doanh đều biết phải tìm cách giữ chân khách hàng thông qua các thẻ khách hàng. Tuy nhiên giữ quá nhiều thẻ sẽ rất bất tiện cho khách hàng, còn nếu cửa hàng làm app tích điểm thì chi phí cao, đòi hỏi phải nâng cấp liên tục. Các mô hình như Sen Point, Zody đều đi vào hướng kết nối với hàng loạt địa điểm mua sắm”.
“Cửa” nào cho các ứng dụng tích điểm không nằm trong hệ sinh thái?
Đối với khách hàng, sử dụng ứng dụng tích điểm trong hệ sinh thái của doanh nghiệp lớn sẽ cảm thấy rất tiện và nhiều lợi ích. Ví dụ, tại Nhật Bản, với hệ sinh thái khổng lồ của Tập đoàn Rakuten, khách hàng sẽ thanh toán bằng thẻ visa của Rakuten, mua bảo hiểm, đầu tư chứng khoán, mua điện… của các công ty con của Rakuten. Khi đó, tổng số điểm tích được có thể lên tới 10-25% cho mỗi đơn hàng mua trên trang thương mại điện tử Rakuten, và số điểm đó lại có thể sử dụng để trả tiền điện Rakuten và mobile Rakuten…
Ở Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Sk Telecom sở hữu ứng dụng tích điểm Ok Cashbag với hơn 35 triệu người dùng, khách hàng OK Cashbag tích lũy điểm từ hệ sinh thái đa dạng của Sk telecom từ viễn thông cho đến tiền điện, nước, đồ gia dụng…
Tại Việt Nam, với mô hình hệ sinh thái như vậy, VinID của Vingroup hay Viettel++ của Viettel đã có sẵn nguồn khách hàng lớn để dễ dàng phát triển số lượng người dùng và giao dịch một cách nhanh chóng. Có thể thấy, dù mới ra đời, Viettel++ nhanh chóng có trên 10 triệu lượt tải trên GG Play, VinID có hơn 1 triệu lượt tải.
Tuy nhiên, khi mô hình tích điểm phát triển, các ứng dụng tích điểm chưa có sẵn hệ sinh thái hoặc tập khách hàng lại bắt tay vào việc phát triển hệ sinh thái cũng tạo các chương trình loyalty marketing để thu hút khách hàng tiêu dùng.
Ông Nguyễn Huy Đại cho biết: “Nhờ sở hữu mạng lưới đối tác rộng lớn, các ứng dụng tích điểm như Senpoint có thể tổ chức các chương trình tích điểm dùng chung, nghĩa là khi mua sắm ở bất kỳ địa điểm nào trong hệ sinh thái của Sen Point, người sử dụng hoàn toàn có thể dùng điểm tích lũy đó để mua sắm ở các địa điểm khác mà Sen Point đã hợp tác”.
Với lợi thế không bị giới hạn các loại hình mua sắm đóng kín như hệ sinh thái của VinID hay Viettel++ các ứng dụng tích điểm như Sen Point, Zody, iFind có thể liên kết với đa loại hình dịch vụ từ ăn uống, làm đẹp, chăm sóc thú cưng, giặt là… tạo nên thế mạnh để đuổi kịp các ông lớn trên.
Đồng thời, với cộng đồng hàng ngàn thành viên, các ứng dụng tích điểm như vậy không chỉ là giải pháp chăm sóc khách hàng mà còn là kênh Marketing hiệu quả để đưa khách hàng đến với cửa hàng và giúp cho chủ cửa hàng quản lý dữ liệu khách hàng hiệu quả hơn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp đánh giá, các ứng dụng tích điểm không nằm trong hệ sinh thái của doanh nghiệp lớn vẫn có khả năng cạnh tranh rất cao khi 80% thị trường nằm trong các cửa hàng lẻ. Vấn đề đầu tiên mà các ứng dụng nên tập trung để thúc đẩy khả năng cạnh tranh là cách đóng gói, thiết kế sản phẩm, bao gồm cách đóng gói sản phẩm để khách hàng tích điểm lẫn cách thiết kế sản phẩm đổi điểm chéo. Nếu như cơ chế tích lũy điểm thưởng để chủ thẻ hưởng các ưu đãi không thiết thực, khách hàng phải chờ đợi quá lâu hoặc phải mua sắm nhiều lần… thì đó là sản phẩm tồi. Thứ hai là số lượng và chất lượng mạng lưới đối tác, điều này sẽ chịu ảnh hưởng lớn của chính sách chiết khấu và thị phần của ứng dụng tích điểm trên thị trường. Theo chuyên gia, những ứng dụng đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng trong 2 vấn đề này sẽ không khó để đuổi kịp các ông lớn như VinID hay Viettel++…
Sự bùng nổ ứng dụng tích điểm là xu thế tất yếu trong thời đại số, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các DN bán lẻ, dịch vụ. Và giống như các ứng dụng khác trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng, thương mại điện tử…, người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi nhất bởi cuộc bùng nổ này đều nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng tối đa lợi ích dành cho khách hàng, bên cạnh chức năng là một công cụ marketing hiệu quả cho Doanh nghiệp.
Theo Trí Thức Trẻ